Links

Ngôn ngữ Anh năm nhất cần chuẩn bị gì ?

Ngôn ngữ Anh năm nhất cần chuẩn bị gì ?
Nhớ f5 (tải lại trang web) khi truy cập vào web sổ tay này nhé !!!
-----
Mẹo
Bạn có thể tìm tất cả thông tin (học phí, cách xét tuyển, cách tính điểm, review ngành, cơ sở học tập...) thông qua nút tìm kiếm 🔍 ở góc trên bên phải màn hình.
Quả post này dành cho các bạn tân sinh viên ngành Ngôn Ngữ Anh đại trà nói riêng và các thành viên mới của ĐH Mở nói chung
:3
Chào các bạn tân sinh viên (và tất nhiên cả các bạn sắp thành tân sinh viên nữa). Chị là Diệu Nhân, sinh viên năm 4 chuyên ngành Phương pháp Giảng dạy Tiếng Anh, ngành Ngôn Ngữ Anh hệ đại trà (Khoa Ngoại Ngữ). Sau quãng thời gian nằm vùng đọc ké bài ở group thì chị quyết định ngoi lên đây vì thấy nhiều bạn inbox thắc mắc về khoản chuẩn bị cho quá trình sắp lên năm nhất. Hi vọng những chia sẻ nho nhỏ này sẽ giúp các bạn tự tin hơn với quãng đường sắp sửa thành sinh viên của mình.

1. THAM KHẢO CHƯƠNG TRÌNH HỌC VÀ ĐỀ CƯƠNG MÔN HỌC

Ở nhà nghỉ dịch, rảnh rỗi thì vào xem trước chương trình học của ngành mình xem mốt sẽ ăn dầm ở dề với các môn học nào nè.
Việc nắm chương trình học sẽ giúp các bạn theo dõi tiến độ tích lũy môn học và tín chỉ của mình, biết những môn mình nên đăng ký học (nếu muốn học thêm và có điều kiện thì tất nhiên bao giờ cũng tốt). Các bạn sẽ tránh được việc học sai thứ tự môn, dẫn đến tình trạng rắc rối sau này vì một số môn đòi hỏi phải học môn tiên quyết, hoặc học dư môn trong khi bản thân có ít điều kiện đăng ký thêm môn. Ví dụ điển hình là năm của chị có người chưa học môn Phương pháp Giảng dạy mà đã đăng ký tiếp môn Thực hành Giảng dạy, dẫn tới tình trạng giảng viên không cho học tiếp mặc dù bạn í có đi học giảng dạy ở ngoài. Các bạn muốn tham khảo để chọn ngành học cũng có thể xem qua các môn chuyên ngành để biết phù hợp với mình hay không. Xem chương trình học ở đây nhé
Hệ đại trà (Thương mại, Giảng dạy, Biên phiên): https://drive.google.com/file/d/1hVWuD5xZSaZmY1q3WWv8CcsaMosB9_JE/view
Việc nắm đề cương môn học sẽ giúp các bạn biết sơ bộ quá trình học và yêu cầu của một môn trước khi học môn đó, tránh tình trạng hoang mang phần nào. Các em sẽ biết liệu môn sắp tới mình sẽ có làm nhóm không, điểm thành phần tính thế nào, có hình thức kiểm tra nào và sẽ cần mua sách gì. Tuy nhiên, tùy giảng viên sẽ có cách truyền tải kiến thức khác nhau, và đôi khi giảng viên sẽ thay đổi khối lượng học theo buổi, hoặc thay đổi hình thức kiểm tra chút ít tùy tình huống nhé. Mốt có muốn tham khảo thì vào đây xem nè, nhưng chỉ vào được bằng email sinh viên do trường cấp, nên các em lưu link lại để sau này vào cho tiện nhé: https://docs.google.com/spreadsheets/d/1wAeAwIPa9jvrDyGqoUr664qeUlyNkgZpLydU0mxfkcE/edit#gid=0

2. LUYỆN 4 SKILLS CƠ BẢN, ĐẶC BIỆT LÀ LISTENING

Một số người bạn của chị chia sẻ rằng hồi đầu vào đại học bị sốc, nản và hoang mang khi thầy cô giảng bài chỉ sử dụng tiếng Anh, do các bạn không tiếp xúc với nghe hiểu nhiều từ năm cấp 3. Việc hiểu được hướng dẫn và bài giảng của thầy cô để làm theo rất quan trọng đó nếu em không muốn phí những môn kỹ năng đầu tiên chỉ để quen với việc hiểu giảng viên nói gì. Nếu bạn nào còn cảm thấy mình yếu các kỹ năng, thì chị khuyên hãy tận dụng thời gian này ôn listening nhé. Bạn nào ổn áp rồi thì có thể ôn đều 4 skills luôn.
Ở năm nhất và năm hai, các bạn sẽ học các môn kỹ năng là chính, vậy nên bạn nào còn chưa tự tin thì hãy luyện tập chăm chỉ hơn. Các bạn cũng có thể xem giáo trình trước khi học (mình học giáo trình Q: Skills for Success từ quyển 3) và ôn lại, đọc script hoặc mở lại audio nếu ở trên lớp em nghe không kịp. Mỗi sách em mua sẽ có code đăng nhập vào, có audio đó.
Nếu em thấy những bạn khác có vẻ giỏi và lấn át em, đừng ngại hay so sánh mình khi muốn phát biểu. Có thể họ có chất giọng hay, sử dụng “từ khủng” hoặc nói sành sỏi không vấp chữ nào, nhưng học về sau thì chị mới biết được những người giao tiếp giỏi là những người nói đủ, dễ hiểu và biết cách nhường tiếp cho người khác tham gia thảo luận (turn-taking). Hồi năm nhất chị cũng bị vấn đề này, chị thấy ngại khi có bạn nói trơn tuột hơn mình và lấn át người khác, mặc dù chị cũng ổn và chị có accent Anh – Anh (mới năm nhất thì thấy hơi lạ thôi chứ giờ cũng bình thường), nhưng chị ít khi phát biểu lắm, vụt nhiều cơ hội được sử dụng tiếng Anh. Còn nếu em là một người giỏi và thích phát biểu, hãy để các bạn khác có cơ hội tham gia nhiều hơn cùng mình, em có thể học hỏi nhiều điều mới từ họ nữa đó.

3. GIỮ PHONG ĐỘ NỀN TẢNG NGỮ PHÁP

Ở năm nhất, các em mới thi xong chương trình phổ thông, các kiến thức về ngữ pháp chưa kịp quên thì hãy giữ kĩ để đầu tư vào cho môn Ngữ Pháp ở HK1 (tưởng thoát được ngữ pháp saoooo). Hãy take note lại khi học môn Ngữ Pháp và giữ cái note đó tới khi lên năm 3 vì sẽ sử dụng lại khá nhiều ở các môn phân tích ngôn ngữ, các môn cần nền ngữ pháp vững. Chị gợi ý là nếu năm nhất em học với thầy cô nào môn ngữ pháp, thì lên năm 3 em nên học tiếp họ, vì có nhiều ví dụ và cách giảng dạy của họ có liên kết với nhau ở các môn này, khiến em dễ hiểu hơn (chỉ là gợi ý thôi nha).

4. TÌM HIỂU HỌC BỔNG

Vừa học tốt vừa có hầu bao rủng rỉnh xài thì ngại thì không biết nhỉ :> Ngoài các học bổng khác, thì mỗi kỳ sẽ xét học bổng khuyến khích học tập. Học bổng này sẽ xét theo điểm trung bình mỗi học kỳ và điểm rèn luyện (ĐRL) các em thu thập được (HK1 và HK3 năm trước xét ĐRL chung, HK2 ĐRL tính riêng). Mức khá em sẽ nhận lại 50% học phí, giỏi 70% và xuất sắc 100%. Tuy nhiên chỉ xét khi em đủ điều kiện học lực khá và cả ĐRL loại khá trở lên, và xét từ trên xuống dưới cứ hết suất là cắt, nên các bạn cố gắng nhen. Năm nhất các bạn chỉ được xét từ HK2 vì HK1 trường đã trao học bổng tuyển sinh rồi. Các em nên đọc kỹ yêu cầu được cấp xét học bổng trước khi work out tận lực nhen :> À mà điểm sẽ được quy từ thang 10 qua thang 4, nên nhớ giải thích, đừng để 3.5 mà ba má hỏi "Sao học dốt vậy con?" nha :))))
Chị nhớ hồi năm nhất chị đủ điểm trung bình, nhưng ĐRL thiếu mất tiêu, vì chị không biết sự quan trọng của ĐRL nên không tham gia nhiều. Tới khi công bố học bổng, bạn chị có, mà chị hỏng có, vỡ lẽ chị mới biết là mình bỏ lỡ cơ hội vì mình không tìm hiểu, tiếc lắm đó.

5. NGHĨ TỚI CHUYỆN LÀM THÊM

Làm thêm là chuyện hỏng thể thiếu trong thời sinh viên, nhưng nên làm gì và làm lúc nào mới là phải. Với các bạn năm nhất thì chị khuyên là hãy ổn định, quen với môi trường, routine học hành trước rồi hẵng tính đi làm thêm. Có thể là qua HK2 hoặc HK3, hoặc cũng có thể năm 2 (cũng tùy bạn và tùy hoàn cảnh nên chị không nói chính xác). Vì là chuyên ngữ, các bạn nên làm những công việc liên quan đến ngành học của mình. Nó cũng sẽ là nền tảng ban đầu cho các bạn cái nhìn sơ bộ về công việc tiềm năng sau này. Các bạn có thể làm trợ giảng tại các trung tâm Anh ngữ để biết về quy trình giảng dạy, cùng lúc có thể làm việc văn phòng và dịch thuật chung chung cơ bản (trong các buổi họp phụ huynh chẳng hạn). Hoặc các bạn có thể làm gia sư khi có kinh nghiệm hơn (về gia sư thì chị khuyên là có kiến thức chắc rồi hẵng nên làm). Hoặc em có thể làm nhiều công việc khác nếu em không thích khoản giảng dạy, như làm sub, viết content cơ bản bằng tiếng Anh chẳng hạn. Những việc không liên quan nhiều đến chuyên môn cũng giúp các bạn học hỏi nhiều thứ, nhưng đừng ở lì mãi một chỗ nhé.
Có một điều tối quan trọng mà nhiều bạn hay quên, đó là lo làm thêm mà quên việc học. Như thầy cô vẫn thường khuyên, chị cũng nhắc các bạn đừng để việc làm thêm ảnh hưởng đến quá trình lên lớp của các bạn. Nếu bỏ lỡ những năm đầu, rồi năm ba năm tư mới nhận ra, em sẽ mệt mỏi gấp nhiều lần để kéo lại những gì em bỏ lỡ. Một công việc part time thường sẽ không lâu dài, còn kiến thức và điểm tích lũy (GPA) của em sẽ đeo em suốt 4 năm học và sẽ là thành quả của em sau này nữa. Nhớ nha.

6. KẾT BẠN, LÀM NHÓM VÀ CÓ NGƯỜI YÊU (NÀY OPTIONAL NHA HIHI)

Lên ĐH em sẽ được gặp nhiều bạn mới (tiếc diên rồi), và mọi người ở đây sẽ có muôn hình vạn trạng, hơi khác cấp ba đó. Tuy nhiên thì bạn ở đây sẽ ảnh hưởng nhiều đến quá trình học của em vì em sẽ làm nhóm kha khá đó. Nhớ luôn giữ trong đầu thái độ có trách nhiệm và tôn trọng lẫn nhau, dù em giỏi hay chưa được tốt như mong muốn. Trong khoản làm nhóm, đừng để một người nào đó gánh team cho mình nha, như vậy là ngầm khẳng định mình không có năng lực, phải dựa vào người khác đó. Cũng đừng để bản thân gánh team hoài hoài nếu em không muốn cuộc sống đại học của em nặng nề khổ sở, trong khi em còn nhiều thứ khác phải lo (ủa, teamwork hay taowork). Các bạn có thể chia phần cho nhau tùy hoàn cảnh và môn học. Ví dụ môn này em làm ít hơn các bạn, môn tiếp theo em chủ động phụ các bạn nhiều hơn. Còn ai vô trách nhiệm, hay thoái thác quá thì report lên giảng viên nha, đừng sống chung với lũ (và cũng đừng thành lũ nha các bạn :<). Chị nhớ hồi í đang teamwork 1 môn, tự dưng có 1 bạn về quê lấy chồng mà nói dối là bị sốt nhập viện, hì hục làm giúp cho, còn quan tâm hỏi thăm nữa. Rồi sau mới lòi ra, nhóm đành report lên giảng viên, kết quả là bạn í không qua môn.
Vậy nên có thể chơi với những người bạn vừa vui vừa làm việc nhóm ổn là chuyện may mắn lắm đó. Chị cảm thấy bản thân hên dễ sợ khi gặp được những người bạn của mình mặc dù cái kèo đi Đà Lạt từ năm hai tới giờ vẫn chưa đi. Năm trước tụi chị có họp nhau bàn làm cái hội nghị TEDx đầu tiên mang tên trường mình, có giấy phép từ tổ chức TED luôn í (cho 1 phút quảng cáo giúp trường đi huhu, PR vì yêu trường chứ hong có đồng nào hết). Qua một năm chạy vạy, cuối cùng tháng 4 vừa rồi mới có chiếc TEDx HCMCOU đầu tiên, tự hào tới nỗi cả đám có đứa khóc khi chiếu khúc credit cuối event (trường mình có TEDx rồi đó ngầu chưaaa). Các bạn yêu thích TED Talks, muốn tham gia xây dựng event này mỗi năm và học hỏi nhiều hơn thì có thể theo dõi page nghen (các bạn chưa biết cũng like page ủng hộ TEDx trường mình để mau lớn nha, cực lắm mới bưng TEDx về trường được ớ): https://www.facebook.com/tedxhcmcou Vậy nên gặp được những người bạn này, chị và các bạn được học hỏi nhau nhiều và trưởng thành hơn (và có tụ hít drama duiii hơn).
Về khoản người yêu thì chị tin là lên ĐH sẽ được phát người yêu, tại vô năm nhất tự dưng có trong khi trước đó chưa bao giờ nghĩ tới việc quen ai :))) Tình yêu thời sinh viên rất đẹp và sẽ giúp các bạn trưởng thành hơn nếu bạn gặp đúng người giúp mình hoàn thiện hơn. Ở ĐH sẽ có các mối quan hệ mới, nhưng hãy nhớ luôn bảo vệ sức khỏe của bản thân và đối phương nha. Mỗi năm trường đều có các hội thảo về tình yêu và sức khỏe tình dục, cũng có các cách chăm sóc tâm lý và thể chất cho bản thân nữa. Các bạn nên tham gia, không kể nam hay nữ, để bổ sung kiến thức cơ bản và cần thiết để xây dựng mối quan hệ lành mạnh và chăm sóc sức khỏe bản thân. Ngoài ra cũng có những phần quà nho nhỏ có ích lắm, có ĐRL nữa í.
Vậy là hết bài post rồi ớ, cảm ơn các bạn đã đọc tới đây. Các bạn có bổ sung, hay thắc mắc gì cứ inbox chị nha đừng ngại (hãy comment trước vì chị não cá vàng, hay sót tin nhắn). Nếu các bạn thấy mình còn hoang mang, lo lắng và thắc mắc nhiều thì đã giỏi hơn chị hồi xưa rồi, vì các bạn nhận thức được mình chưa biết. Lúc năm nhất chị còn không mảy may gì, cũng không biết là mình cần nắm những thông tin cơ bản này nên chị tiếc năm nhất không tận dụng được quỹ thời gian của mình :((( Có thắc mắc cứ hỏi nha, và nhớ like page TEDx HCMCOU ủng hộ Khoa và trường mình nghen.
-----
GÓP Ý - CHỈNH SỬA
Bạn muốn góp ý hoặc chỉnh sửa các thông tin ở trang này ? Vui lòng nhắn tin đến Facebook hoặc qua email [email protected] để được hỗ trợ. Xin cảm ơn ❤️
Cộng đồng Sinh viên Đại học Mở Tp.HCM - HCMCOU | Facebook
facebookapp
Tham gia vào nhóm để cập nhật thông tin tuyển sinh mới nhất !!!
-----

⚡ Thiết kế và phát triển bởi Thành Nam Nguyễn

📃 Sổ tay hướng dẫn tuyển sinh học bạ - Trường Đại học Mở Tp.HCM
📧 Mọi thắc mắc, ý kiến đóng góp xin vui lòng gửi qua mail: [email protected]
📧 Liên hệ công việc: [email protected]
Copyright © 2022 - present. All rights reserved | OUCommunity Book version 2.0.0